TGĐ Thân Văn Hùng thảo luận về chủ đề Kết nối nông sản thời 4.0 trên báo Nông nghiệp Việt Nam

 Trao đổi cùng Báo Nông nghiệp Việt Nam về chủ đề Kết nối nông sản thời 4.0, anh Thân Văn Hùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA), Tổng giám đốc Visimex Corporation, cho rằng: Để triển khai thành công chương trình “mỗi người nông dân là một thương nhân, mỗi hợp tác xã là một doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số”, chúng ta không chỉ đào tạo nông dân ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, kinh doanh, mà cần phải nâng cao nhận thức của họ về những nguyên tắc và quy luật thị trường.

Là doanh nghiệp chuyên chế biến và xuất khẩu nông sản, hình ảnh đoàn xe container nối đuôi nhau ùn ứ tại cửa khẩu phía Bắc những ngày này gợi lên cho anh những suy nghĩ gì về nút thắt của ngành nông nghiệp, cũng như vấn đề kết nối nông sản?

Từ câu chuyện 4.000 - 5.000 xe container đang tồn đọng ở cửa khẩu phía Bắc, tôi cho rằng nguyên nhân chủ yếu là do chúng ta. Chúng ta phải rút kinh nghiệm và thay đổi.

Việt Nam có đường biên giới với Trung Quốc nên rất dễ giao thương qua đường tiểu ngạch. Ai cũng trở thành thương nhân được. Khi có vài chục tấn nông sản, người ta thuê xe chở lên cửa khẩu rồi ăn chực nằm chờ kiểm tra chất lượng, thỏa thuận giá cả. Đấy là sai lầm lớn nhất của chúng ta. Bởi vào thời điểm chính vụ, thương nhân Trung Quốc thấy hàng hóa bên Việt Nam ùn ứ nhiều quá, họ trả giá rất thấp.

 

Tôi nghĩ, tình trạng đó sẽ sớm kết thúc thôi, không thể kéo dài mãi được. Vì chúng ta đã trả giá tương đối lớn do dễ dãi trong sản xuất, kinh doanh hàng nông, lâm, thủy sản. Chúng ta phải rút kinh nghiệm và tự hoàn thiện mình để tiến tới sản xuất có kế hoạch dựa trên hợp đồng với đối tác, sản xuất sạch, an toàn, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đẩy mạnh chế biến sâu và chú trọng khâu bảo quản. Có như vậy, tình trạng ùn ứ nông sản sẽ không còn.

Bây giờ, thị trường Trung Quốc không như ngày xưa nữa. Họ yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng rất cao. Ví dụ, tiêu chuẩn sản phẩm hạt điều của họ cao nhất thế giới. Trung Quốc cũng là quốc gia dẫn đầu thế giới về thành công trong chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ trong hoạt động kinh doanh thương mại. Họ đã dùng công nghệ để kiểm tra, kiểm soát và điều tiết hoạt động giao thương hàng hóa. Nếu đáp ứng được những yêu cầu của thị trường Trung Quốc, chúng ta không chỉ chinh phục được thị trường với 1,4 tỷ dân mà cả thị trường thế giới.

Phải chăng hoạt động sản xuất, kinh doanh nông sản đang bị mắc “chứng bệnh” mù mờ thông tin, dẫn đến việc mạnh ai nấy làm, khi thu hoạch nông sản mới tính đến tiêu thụ. Bởi vậy, họ phải lệ thuộc vào thương lái và sự nóng lạnh của thị trường?

 

Thực ra, gọi là mù mờ thông tin cũng đúng, mà không phải mù mờ thông tin cũng đúng. Bởi lâu nay, hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng nông sản chưa được chuyên nghiệp, chuyên môn hóa, chưa được phân công theo sự tác động của nền kinh tế thị trường.

Khi sản xuất được vài chục tấn nông sản, anh tự mang lên biên giới bán thì đó là tư duy của tiểu thương. Anh sẽ bị đánh bật và không thể tồn tại. Cơ chế thị trường buộc chúng ta phải chuyên nghiệp hóa và phân công cụ thể từng khâu trong chuỗi giá trị. Ví dụ, người sản xuất thì chỉ tập trung sản xuất cho tốt, người vận chuyển thì chuyên tâm vận chuyển, doanh nghiệp làm thương mại thì phải hiểu quy luật thị trường, phải tổ chức bộ máy để tìm kiếm đối tác, đàm phán hợp đồng, marketing sản phẩm…

Thứ hai, trong thế giới phẳng như hiện nay, không phải chúng ta không có thông tin, mà chúng ta chưa biết cách tập hợp, xử lý thông tin và sử dụng thông tin cho hiệu quả. Bên cạnh đó, trong thời đại công nghệ 4.0, công nghệ số hóa, mô típ kinh doanh thay đổi rất nhanh.

 

Trước đây, bà con bán được sản phẩm đến tay người tiêu dùng phải qua rất nhiều khâu, thậm chí qua tay 4-5 thương lái. Còn bây giờ, chủ trang trại có thể livestream, chốt hợp đồng và hợp tác với các hệ thống giao hàng để chuyển đến đối tác.

Sắp tới, Bộ NN-PTNT sẽ triển khai sáng kiến “mỗi người nông dân là một thương nhân, mỗi hợp tác xã là một doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số”, theo anh, làm thế nào để người nông dân và hợp tác xã có thể bắt nhịp được xu hướng này?

Như tôi đã nói, hiện nay bất kỳ ai cũng có thể kinh doanh, vì thị trường rất rộng lớn. Trong khi đó, nền tảng công nghệ không có biên giới, khoảng cách về địa lý không có nghĩa lý gì.

Nhưng thương mại luôn có nguyên tắc và thị trường luôn có quy luật, nếu không tuân thủ nguyên tắc và quy luật thì chủ thể tham gia không thể thành công. Thuật ngữ “công nghệ số” tưởng như xa vời, nhưng trên thực tế, các nền tảng số đã hòa lẫn đâu đó trong cuộc sống kinh tế, xã hội của mỗi người dân. Đó là điều kiện tốt để chúng ta thực hiện chiến lược chuyển đổi số trong nông nghiệp.

Vấn đề là chúng ta phải định hướng và chuẩn hóa được công tác đào tạo, tập huấn cho nông dân từ kỹ năng đàm phán với đối tác, kỹ năng đóng gói, thiết kế bao bì sản phẩm, xây dựng thương hiệu, quản trị rủi ro trong quá trình thanh toán điện tử, kết hợp với các đơn vị logistics... Từ đó, bà con có kỹ năng trong việc tham gia thị trường, đặc biệt là ứng dụng công nghệ số trong các hoạt động quảng cáo, marketing.

Với các nền tảng số, người nông dân, hợp tác xã có thể tiếp cận được yêu cầu của từng thị trường, từng đối tượng khách hàng, kênh phân phối để có sự chuẩn bị, tổ chức phương án sản xuất, kinh doanh phù hợp. Ví dụ, nếu chỉ bán cho người tiêu dùng, nông dân có bao nhiêu hàng thì bán bấy nhiêu.

Nhưng nếu muốn bán cho doanh nghiệp, hệ thống phân phối thì phải có kế hoạch sản xuất rõ ràng từng thời điểm trong ngày, trong tháng, trong năm và sản lượng phải đủ lớn, phải sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đóng gói theo quy cách theo yêu cầu của khách hàng.

 

Sứ mệnh của Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam là trợ giúp cho nền nông nghiệp số hóa và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đây là một hành trình rất dài và đòi hỏi sự kiên trì để vượt qua những gian nan phía trước. Hiệp hội thường xuyên kết hợp với các công ty công nghệ thông tin để tìm cách triển khai các ứng dụng số hỗ trợ các doanh nghiệp và bà con nông trong hoạt động sản xuất và kinh doanh.

Thứ hai là chủ động làm việc với các cơ quan chức năng, đặc biệt là Bộ NN-PTNT, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường để đặt vấn đề số hóa dữ liệu, phân loại, phân tích, sử dụng dữ liệu đó thế nào cho hiệu quả.

Thứ ba, chúng tôi tập hợp lại hệ thống dữ liệu để làm sao các thông tin phải được thống nhất với nhau, chứ không thể mỗi cơ quan, đơn vị, bộ ngành một thông tin. Các thông tin đó được sử dụng hiệu quả. Vì hiện tại có thể cùng một loại thông tin nhưng rất nhiều cơ quan, bộ, ngành cùng làm, rồi lưu trữ ở những nơi khác nhau và không được sử dụng. Có những đơn vị cần thì không có, đơn vị có lại không biết sử dụng vào đâu cho hiệu quả.

 

Thứ tư, chúng tôi tăng cường kết nối, hợp tác quốc tế để tranh thủ sự ủng hộ, hỗ trợ cho việc số hóa trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và bà con nông dân.

Là Tổng giám đốc Visimex Corporation – một trong những “con đại bàng” trong lĩnh vực chế biến, xuất khẩu nông sản của Việt Nam, anh có thể chia sẻ kinh nghiệm để kết nối và hợp tác hiệu quả với người nông dân và hợp tác xã trong xây dựng vùng nguyên liệu chất lượng cao như quế, điều, cà phê, hồ tiêu…?

Trong quá trình kinh doanh 20 năm qua, chúng tôi tiếp xúc với rất nhiều đối tác, từ bà con nông dân đến tiểu thương trung gian, các công ty cung ứng nguyên liệu… và thấy rằng, làm việc với bà con nông dân là khó nhất. Đồng thời, chúng tôi cũng phát hiện một điều rằng, tất cả đều phải theo quy luật thị trường.

Muốn gắn kết với nông dân, doanh nghiệp phải xác định đem lại quyền lợi gì cho họ một cách ổn định. Khi ấy, bà con sẽ đi theo mình. Nhiều khi, chúng tôi thỏa thuận và ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho bà con rồi, nhưng giữ được thì rất khó.

Ví dụ, hôm nay công ty thu mua với giá này, ngày mai có người mua cao hơn thì nông dân sẵn sàng bán cho người khác. Tuy nhiên, lúc giá nông sản xuống thấp, họ không tìm được đơn vị thu mua. Lúc đó họ sẽ thấm thía ý nghĩa của việc liên kết lâu dài để cùng phát triển với chúng tôi.

Thứ hai, trong những năm qua, Visimex tập trung đầu tư phát triển các vùng nguyên liệu nông sản Organic, đòi hỏi phải có quá trình dài, muốn hình thành ngay cũng không được. Chúng tôi phải định hướng, vận động và đào tạo bà con thực hành kỹ thuật canh tác mới. Nhiều khi, nông dân thích làm tự do quen rồi và chưa tin tưởng doanh nghiệp. Bởi ở đâu đó, vẫn có doanh nghiệp đến làm việc, hứa hẹn rồi sau đó bỏ đi mất. Những con sâu làm rầu nồi canh khiến nông dân mất niềm tin, nên doanh nghiệp phải kiên trì và phải có chiến lược rất đúng đắn.

Vậy trên hành trình xây dựng các vùng nguyên liệu nông sản Organic, có lúc nào anh cảm thấy mối liên kết giữa doanh nghiệp – nông dân/hợp tác xã thật mong manh, dễ đổ vỡ và dễ thất bại?

Thực ra, chúng tôi gặp vô vàn khó khăn trong quá trình xây dựng vùng nguyên liệu. Thứ nhất, phải lựa chọn vùng nguyên liệu có quy mô hàng hóa, phải lội đồng, lội ruộng để hướng dẫn và làm việc với các chủ hộ nông dân, hợp tác xã.

Có những nơi tương đối thuận lợi, nhưng có những nơi trưởng thôn, người uy tín trong cộng đồng đều kinh doanh, hoặc là đại lý cung cấp phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật và hưởng lợi từ đó. Khi biết chúng tôi muốn xây dựng vùng nông sản Organic, họ kích động, nói xấu để bà con không tin tưởng doanh nghiệp. Chúng tôi phải thuyết phục và can thiệp rất nhiều.

 

Mặt khác, khi không sử dụng chất kích thích sinh trưởng để sản xuất sản phẩm sạch, đương nhiên năng suất sẽ giảm đi. Công ty phải đảm bảo lợi ích cho họ từ cung ứng vật tư đầu vào, cam kết sản lượng và hỗ trợ nếu nông dân thiệt hại, đồng thời bao tiêu sản phẩm cho bà con. Tất cả điều đó phải thực hiện thì mới xây dựng được hệ thống vùng nguyên liệu ban đầu, sau đó doanh nghiệp phải có cam kết duy trì và đầu tư ngày càng mạnh mẽ hơn.

Anh từng chia sẻ, giá trị cốt lõi của Visimex là “trái tim, trí tuệ, sự tín nhiệm, tinh hoa và tài năng”. Vì sao từ “trái tim” lại được anh đặt lên hàng đầu?

Thực ra, con đường kết nối nhanh nhất là từ trái tim đến trái tim, từ cái tâm của mình, từ sự nghiêm túc trong hoạt động kinh doanh. Những người có tâm thường dành sự nhiệt huyết và tâm trí của mình để hướng tới những giá trị đích thực cho mình và cho cả cộng đồng.

Thứ hai, một doanh nghiệp muốn kết nối với thị trường thì phải thấu hiểu nhu cầu của người tiêu dùng và tạo ấn tượng để người tiêu dùng luôn nhớ đến. Đó là lý do chúng tôi xây dựng chiến lược “bán hàng bằng trái tim”. Ở đó, chúng tôi bán hàng bằng những câu chuyện, người tiêu dùng không chỉ hiểu được quy trình tạo ra sản phẩm, đặc trưng sản phẩm mà còn hiểu được bản sắc văn hóa, những giá trị nhân văn, đặc điểm vị trí vùng miền và tâm huyết của người tạo ra sản phẩm trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội.

 

Từ đó, người tiêu dùng sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn, họ sẵn sàng trả tiền cho những sản phẩm bảo vệ môi trường, duy trì đa dạng sinh học và góp phần giúp người nông dân, nhất là người dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa thay đổi cuộc sống khó khăn, phát triển sinh kế bền vững.

Việt Nam rất may mắn là một đất nước đang phát triển, nên được các nước phát triển tài trợ rất nhiều dự án để nâng cao năng lực cạnh tranh, xóa đói giảm nghèo và sản xuất lương thực, thực phẩm chất lượng cao, đáp ứng được tiêu chuẩn để xuất khẩu vào thị trường châu Âu và Mỹ.

Công ty chúng tôi cũng được hưởng lợi từ việc tài trợ của một số tổ chức phi chính phủ của các nước châu Âu về phát triển nông nghiệp. Từ đó, chúng tôi mạnh dạn chuyển đổi các vùng trồng truyền thống sang sản xuất, kinh doanh ngành hàng hữu cơ, đảm bảo tính bền vững và hiệu quả cao.

Nhìn véc-tơ tăng trưởng giá trị xuất khẩu nông sản của Việt Nam trong năm 2021, chúng ta thấy khá ấn tượng khi tổng kim ngạch đạt hơn 47 tỷ USD. Thế nhưng, người đứng đầu Bộ NN-PTNT đã nói một câu khiến chúng ta phải suy ngẫm: “Giá trị xuất khẩu nông sản tăng trưởng nhanh nhưng chưa bền vững”. Chúng ta nhìn quả vải trên kệ siêu thị ở Nhật Bản giá trị rất cao, nhưng phần lớn chi phí là dành cho logistics. Đặc biệt, nông sản Việt xuất khẩu được chủ yếu là do nỗ lực tự thân của doanh nghiệp tìm kiếm thị trường, chứ chúng ta chưa có một chiến lược quốc gia xuất khẩu nông sản bền vững. Bởi vậy, hàng hóa chưa thể vào các hệ thống phân phối lớn của các quốc gia. Anh trăn trở về vấn đề này như thế nào?

Đúng như lời Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói. Chi phí cho logistics còn quá lớn và chúng ta chưa tự chủ được, đặc biệt là hệ thống tàu bè rất yếu kém. Đó là một trong những khó khăn kìm chế năng lực cạnh tranh hàng hóa nói chung và nông, lâm, thủy sản nói riêng của Việt Nam. Có những congtainer hàng hóa, chi phí cho logistics cao gấp 200 – 300% so với giá trị sản phẩm.

 

Bởi vậy, Nhà nước cần có một chính sách định hướng mạnh mẽ và hỗ trợ cho các doanh nghiệp để khuyến khích, gia tăng chế biến sâu, chế biến thành phẩm để vừa tăng giá trị, vừa mở rộng và phát triển thị trường toàn cầu.

Suy cho cùng, điệp khúc được mùa rớt giá, thậm chí là mất mùa giảm giá; nông sản Việt phụ thuộc vào thương lái, vào sự nóng lạnh của thị trường là do nguyên liệu ít được chế biến. Nếu chế biến tốt, bảo quản tốt thì chúng ta không sợ câu chuyện thời sự của thị trường mà phát triển theo quy luật thị trường.

Trước đây các hoạt động xúc tiến thương mại tại thị trường nước ngoài của Việt Nam rất manh mún và chủ yếu do doanh nghiệp tự thân vận động là chính. Tuy nhiên, thời gian vừa qua, chúng tôi nhìn thấy sự chuyển biến rất lớn từ những lãnh đạo cao cấp của nhà nước. Chúng ta không chỉ ngoại giao Đảng, Nhà nước về mặt chính trị mà rất chú trọng ngoại giao kinh tế.

Các đại sứ của chúng ta rất trách nhiệm, nhiệt tình hỗ trợ doanh nghiệp trong nước phát triển thị trường, giới thiệu những loại đặc sản của Việt Nam tại các khu vực họ đại diện ngoại giao. Các đại sứ cũng nghiên cứu rất sâu, rất kỹ đến các địa phương để tìm hiểu đặc sản vùng miền, sử dụng đặc sản, sản phẩm đặc trưng của Việt Nam làm quà biếu, quà tặng. Thông qua các hội chợ, các lễ hội ẩm thực, dịp lễ, các cơ quan, đơn vị đã đầu tư rất lớn cho hoạt động xúc tiến thương mại.

 

Từ những tín hiệu trên, tôi hy vọng rằng sắp tới chúng ta sẽ thay đổi dần dần những bất cập của các ngành hàng nông, lâm, thủy sản để phát triển thị trường nhanh và bền vững.

Là người điều hành một doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu nông sản sang hơn 70 quốc gia trên thế giới, anh thấy hình ảnh, thương hiệu của nông sản Việt được thị trường quốc tế đánh giá như thế nào?

Trước đây, tôi đi bán quế, rất nhiều quốc gia châu Âu không biết đến quế Việt Nam mà chỉ biết quế của Indonesia, Sri Lanka và nghe nói có quế Sài Gòn. Nhưng thực tế, Sài Gòn (nay là Thành phố Hồ Chí Minh) làm gì có quế, chỉ là do những thương nhân Sài Gòn từ trước năm 1975 kinh doanh nên người tiêu dùng nghĩ là có quế Sài Gòn.

Thời gian sau, người ta biết đến Việt Nam có quế, nhưng khi xuất khẩu được thì chúng ta lại bị mang tiếng vì làm ẩu, bừa bãi, không có tiêu chuẩn gì cả. Chúng ta chủ yếu xuất khẩu hàng thô vì chưa có kinh nghiệm, chất lượng không ổn định, chỉ được một thời gian là xảy ra đủ thứ chuyện.

Đến nay, chúng ta đã có giai đoạn chuyển mình gần 30 năm, các doanh nghiệp đã tự thấm thía và biết được giá trị của sự bền vững lâu dài là như thế nào. Nó là sự ổn định về chất lượng. Nó là uy tín. Nó là sự cải tiến, nỗ lực không ngừng để đáp ứng nhu cầu thị trường. Và thị trường thế giới dần dần ghi nhận chất lượng sản phẩm của Việt Nam tương đối tốt, đặc biệt là các mặt hàng nông, lâm, thuỷ sản, thực phẩm của Việt Nam tương đối nổi tiếng trên thế giới.

Ngày đăng: Saturday, Ngày 8 Tháng 1 năm 2022